BẢN TIN SEMINAR

Vào lúc 13 giờ 30 ngày 13/06/2023, Khoa xét nghiệm y học đã tổ chức seminar với chuyên đề “Cập nhật tình hình nhiễm ký sinh trùng sốt rét và thực trạng kháng hóa chất ở muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét tại Việt Nam.” bằng hình thức báo cáo trực tiếp tại văn phòng khoa Xét nghiệm y học. Báo cáo viên là ThS. Phan Cẩm Ly, với sự tham gia của các thành viên trong khoa Xét nghiệm y học, chủ trì là ThS.BS. Nguyễn Thị Đoan Trinh.

Tại buổi chuyên đề, ThS. Phan Cẩm Ly đã báo cáo 3 nội dung chính gồm:

  1. Cập nhật tình hình sốt rét trên Thế giới và Việt Nam từ năm 2020 đến nay.
  2. Tình trạng kháng hóa chất của muỗi Anopheles
  3. Cơ sở sinh học của kháng hóa chất diệt và các loại cơ chế kháng ở côn trùng
  4. Tình trạng đáp ứng với hóa chất diệt của một số loài muỗi Anopheles tại Việt Nam

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do 5 loài ký sinh trùng Plasmodium gây nên gồm Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovalePlasmodium knowlesi. Bệnh lây truyền chủ yếu là do muỗi Anopheles.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới và 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia vào năm 2020. Trong đó, hơn 2/3 số ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi sống ở Khu vực Châu Phi. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng 12% số ca tử vong do sốt rét. Sự gia tăng khả năng kháng thuốc, tình trạng khẩn cấp nhân đạo, các loài vật xâm lấn mới và đột biến gen là những thách thức cần phải được giải quyết.

Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 456 trường hợp mắc sốt rét, giảm 2,4% so với năm 2021; không có trường hợp tử vong. Đến nay, Việt Nam đã có 42 tỉnh, thành phố công bố loại trừ sốt rét. Theo kế hoạch, Việt Nam đang phấn đấu để đạt loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Kháng hóa chất là sự chọn lọc đặc điểm có tính kế thừa của một quần thể côn trùng gây ra thất bại một sản phẩm hóa chất mong đợi khi sử dụng theo qui định. Theo định nghĩa của WHO là sự phát triển khả năng sống sót của một số cá thể sau khi tiếp xúc với nồng độ của một hoá chất mà với nồng độ đó đa số cá thể trong một quần thể bình thường của loài đó sẽ bị chết sau khi tiếp xúc. Khả năng phát triển tính kháng hoá chất diệt phụ thuộc vào các yếu tố: sinh học, sinh thái học của côn trùng, mức độ trao đổi dòng gen giữa các quần thể, thời gian tồn lưu của hoá chất và cường độ sử dụng gồm liều lượng và thời gian sử dụng.

Hiện tượng kháng hóa chất không phải là một quá trình thích nghi sinh lý của các cá thể trong quần thể.  Hiện tượng này bắt nguồn từ sự sai khác tự nhiên có bản chất di truyền về mức độ mẫn cảm đối với các chất độc giữa các cá thể trong quần thể. Sự khác biệt này có sẵn trong các quần thể tự nhiên ngay từ khi chưa tiếp xúc với thuốc diệt. Tính kháng hoá chất là một hiện tượng tiến hóa là kết quả của quá trình chọn lọc các gen kháng ở côn trùng dưới áp lực của hoá chất. Các gen kháng có thể có sẵn trong quần thể hoặc sinh ra do đột biến. Những cá thể trong quần thể mang gen kháng sống sót mặc dù tiếp xúc với hoá chất và truyền những gen kháng cho thế hệ sau. Việc sử dụng lặp lại một hoá chất sẽ loại bỏ các cá thể nhạy và tỷ lệ các cá thể kháng sẽ tăng và cuối cùng số cá thể kháng sẽ trội lên trong quần thể. Kết quả là quần thể không phục  hồi trở lại được tính mẫn cảm của hóa chất đó. Do vậy, giám sát và phát hiện ngay từ những dấu hiệu đầu tiên là quan trọng để kịp thời có một chương trình quản lý tính kháng.

Một số hình ảnh buổi Seminar:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here